Menu

Một số sâu, bệnh hại chính trên Cây Nhãn

I.   PHÒNG TRỊ SÂU BỆNH CHÍNH:

A.       SÂU HẠI:

1.     Sâu đục gân lá:(Acrocercops hierocosma Meyr)

–     Cách gây hại: Gây hại trên nhãn, vải. Hiện nay loài này ngày càng gây hại quan trọng trên nhãn ở các tỉnh ĐBSCL. Bướm cái thường đẻ trứng trên các cành, lá nhãn non. Sâu nở ra ăn phá bằng cách đục vào gân chính của lá, làm đứt nghẽn mạch nhựa của lá, lá không phát triển được hoặc bị méo mó. Triệu chứng lá bị cháy khô đầu trông rất giống lá bị bệnh. Khi các đợt lộc  bị gây hại nặng ảnh hưởng đến sự phát triển bộ lá, làm giảm khả năng ra hoa hoặc trái bị rụng.

–      Phòng trị: Tỉa cành để các đợt ra lộc tập trung dễ kiểm soát. Phun thuốc trong giai đoạn cây ra đọt non Chú ý có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gốc cúc tổng hợp….

2.     Sâu đục trái: (Conogethes punctiferalis (Guenée))

–   Cách gây hại: Thành trùng hoạt động vào ban đêm, ban ngày chúng nấp ở nơi tối hoặc mặt dưới lá cây ký chủ. Cả thành trùng đực và cái đều ăn mật hoa. Trưởng thành cái đẻ trứng trên trái, đặc biệt là nơi tiếp giáp giữa các trái. Sâu có thể gây hại từ khi trái còn nhỏ đến sắp thu hoạch, nặng nhất là khi trái bắt đầu có cơm. Trái non bị sâu đục thường biến dạng, khô và rụng, trái lớn nếu bị hại sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất.

–   Phòng trị: Vệ sinh vườn bằng cách thu gom những trái bị nhiễm đem tiêu hủy. Cắt tỉa cành sau khi thu hoạch cho vườn thông thoáng. Dùng  bẫy đèn với ánh sáng đen (Black light) đễ bẫy trưởng thành. Có thể sử dụng bao trái để giảm thiệt hại. Phun thuốc nếu có 1% số trái trong vườn bị tấn công. Khi sử dụng thuốc chú ý thời gian cách ly theo hướng dẫn của nhà sản xuất để bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

3.     Bọ xít (Tessaratoma papillosa (Drury)):

–  Cách gây hại: Bọ xít là đối tượng gây hại quan trọng trên nhãn vùng ĐBSCL, gây hại chủ yếu vào giai đoạn cây ra đọt non, làm rụng hoa, rụng trái, chết các cành của phát hoa ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sinh trưởng của cây.

–   Phòng trị: Tỉa cành để các đợt hoa và đọt non ra tập trung. Dùng vợt bắt trưởng thành vào sáng sớm. Trong tự nhiên có các loài thiên địch như kiến vàng, ong ký sinh có thể tấn công trứng bọ xít, do vậy nên tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch tự nhiên phát triển nhằm hạn chế bớt sự gây hại của bọ xít. Chỉ phun thuốc khi thấy mật độ bọ xít cao, phun theo liều lượng khuyến cáo trên nhãn hiệu của từng loại thuốc bảo vệ thực vật.

4.      Rệp sáp:(Pseudococus sp.)(Aleurodicus dispersus)(Nipaecoccus sp):

–   Cách gây hại: Rệp sáp gồm rất nhiều loài gây hại trên nhãn. Khả năng sinh sản của rệp sáp rất cao, con cái có thể đẻ trứng hoặc đẻ trực tiếp ra con. Ấu trùng tuổi nhỏ ít có khả năng di chuyển, chúng thường kết hợp với các loại kiến để di chuyển sang nơi khác. Rệp sáp có thể gây hại trên các bộ phận của cây như cành, lá, hoa trái. Cả sâu non và trưởng thành đều chích hút nhựa cây, trong quá trình gây hại chúng thải ra mật kích thích nấm bồ hóng phát triển trên lá làm giảm khả năng quang hợp của cây, trên trái làm giảm giá trị thương phẩm. Ngoài ra vết thương do rệp gây ra giúp các loại nấm bệnh khác dễ dàng xâm nhập vào cây.

–  Phòng trị: Phun nước vào tán cây để rửa trôi rệp. Nên tỉa bỏ những trái bị nhiễm ở giai đoạn đầu để tránh sự gia tăng mật độ rệp sáp. Tìm diệt các loại kiến có hại để hạn chế sự lây lan. Hạn chế trồng xen với những cây dễ nhiễm rệp sáp như đu đủ, mãng cầu…Phun thuốc khi thấy mật độ rệp cao, khi phun có thể kết hợp các loại chất bám dính để tăng hiệu quả của thuốc bảo vệ thực vật.

5.     Sâu đục trái:(Acrocercops cramerella Snellen)

–   Cách gây hại: Thành trùng hoạt động vào ban đêm, ban ngày chúng nấp dưới lá hoặc cành cây. Trưởng thành đẻ trứng trên cuống trái, ấu trùng sau khi nở đục vào phần cuống trái làm cho trái bị rụng, đôi khi vào giai đoạn trái còn rất nhỏ.

Sâu đục trái Acrocercops cramerella không gây thiệt hại nhiều đến năng suất trái so với sâu đục trái Conogethes punctiferalis , tuy nhiên theo một số ghi nhận gần đây, loài sâu hại này đang có chiều hướng gia tăng trên nhãn. Thiệt hại do loài này gây ra thông thường khoảng 10-15%. Điều đáng chú ý là loài này rất khó phát hiện nếu chỉ quan sát triệu chứng bên ngoài, khi điều tra trên vườn phải lột vỏ trái ra mới phát hiện được.

–   Phòng trị: Có thể sử dụng bao trái để giảm thiệt hại. Trong tự nhiên trứng sâu đục trái Acrocercops cramerella bị ký sinh bởi ong ký sinh họ Trichogrammatidae và kiến, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho các loài này phát triển cũng giảm được thiệt hại do sâu gây ra. Có thể phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị …Chú ý thời gian cách ly của mỗi loại thuốc để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

B.       BỆNH HẠI:

1.      Bệnh thối trái (do nấm Phytophthora sp.):

–  Triệu chứng: Bệnh này thường xuất hiện và gây hại nặng trên trái nhãn lúc nhãn sắp già, chín và đặc biệt là trong mùa mưa, nơi có ẩm độ cao thì bệnh phát triển và lây lan rất nhanh chóng. Do nấm Phytophthora thường lưu tồn trong đất nên các chùm trái gần mặt đất dễ bị nhiễm bệnh hơn trong mùa mưa, từ đây sẽ là nguồn lây lan cho các chùm trái phía trên và lây lan sang cây khác trong cả vườn. Trái bị bệnh thương bị thối nâu, lan dần từ vùng cuống trái trở xuống, làm trái nứt, thịt trái thối nhũn, chảy nước có mùi hôi chua và có thể thấy tơ nấm trắng phát triển trên vết bệnh.

–   Phòng trị: Nên tỉa bỏ các cành gần mặt đất vì khi trái gần chín sẽ dễ nhiễmbệnh từ đất trong mùa mưa. Cần lưu ý cắt bỏ và thu gom các trái bị bệnh rơi rụng trong vườn đem tiêu huỷ. Phun các loại thuốc bảo vệ thực vật có gốc đồng theo liều lượng khuyến cáo.

2.     Bệnh phấn trắng (do nấm Oidium sp.):

–  Triệu chứng: Hoa bị xoắn vặn, khô cháy, trái non bị nhiễm bệnh sẽ nhỏ, có màu nâu. Vỏ trái bị đóng phấn trắng nhất là ở vùng gần cuống trái. Trái lớn hơn nếu nhiễm bệnh thường bị thối nâu từ cuống trái sau đó chuyển sang màu nâu đen và lan dần đến nguyên trái.

–  Phòng trị: Vườn thoáng, ánh sáng xuyên qua được tán lá sẽ hạn chế sự phát triển của bệnh. Phòng trị bệnh bằng cách phun các loại thuốc bảo vệ thực vật theo nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất. Để phòng ngừa bệnh và phòng trị có hiệu quả có thể phun thuốc vào giai đoạn trứơc khi trổ hoa và ngay khi hoa vừa đậu trái non.

 

3.      Bệnh đốm bồ hóng (do nấm Meliola sp):

– Triệu chứng: Bệnh gây hại chủ yếu ở mặt dưới lá. Đốm bệnh hình hơi tròn với viền không đều, kích thước 1-3mm, đen (màu càng sậm khi đốm bệnh càng to). Bề mặt đốm bệnh hơi sần sùi do nấm bồ hóng phát triển trên đó. Mặt dưới lá có thể có nhiều đốm nhưng các đốm này thường rời nhau. Cạo lớp bồ hóng đi bên dưới thấy mô lá bị thâm đen. Nấm bồ hóng thường phát triển nhiều trên các vườn trồng quá dày, tán lá che rợp nhau và ẩm độ không khí cao.

–   Phòng trị: Không nên trồng dày, tỉa bớt cành vô hiệu khi tạo tán sau thu hoạch giúp cây thoáng. Có thể sử dụng các loại thuốc gốc đồng để phòng trị bệnh phun theo liều lượng khuyến cáo.

4.       Bệnh khô cháy hoa (do nấm Phyllostica sp. hoặc Pestalotia sp.):

–  Triệu chứng: Bệnh khô cháy hoa thường xuất hiện vào lúc hoa nhãn đang nở rộ, trên cánh hoa có những vết chấm nhỏ bằng đầu kim, có màu nâu đen làm hoa bị vàng, sau đó khô và rụng đi. Nấm thường tấn công vào lúc có nhiều sương mù hay mưa nhiều, ẩm độ không khí cao.

–  Phòng trị: Nên trồng thưa giúp cây thoáng, cho ánh sáng xuyên qua tán cây làm giảm ẩm độ sẽ hạn chế được bệnh. Phòng trị bằng các loại thuốc gốc đồng theo khuyến cáo vào giai đoạn trước khi hoa nở để phòng bệnh.

 

II. THU HOẠCH VÀ CÁCH BẢO QUẢN:

 

Ở ĐBSCL, nhãn Xuồng cơm vàng và nhóm nhãn Long nên thu hoạch khoảng tuần thứ 11, nhãn Tiêu da bò nên thu hoạch khoảng tuần thứ 14 sau khi đậu trái.

Khi thu hoạch dùng kéo cắt cả chùm quả để cho cành khỏi bị gãy, bị xước và nếu cành bị bẻ đi quá sâu sẽ ảnh hưởng đến ra hoa vụ sau.

Vận chuyển và bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 5-80C, ẩm độ môi trường không khí 90-95% sẽ giữ được màu sắc và độ tươi của quả nhãn.

Dùng bao nilon PE có 15-25 lỗ nhỏ/dm2 để bảo quản nhãn sẽ hạn chế được cường độ hô hấp của quả tươi và bảo quản quả nhãn kéo dài hơn hai ngày so với cách bảo quản thông thường./.

Sản Phẩm Liên Quan

Hotline